Uống cà phê buổi chiều có thể giảm mệt mỏi nhưng lại có nguy cơ trì hoãn giấc ngủ, đổ mồ hôi, đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm.
Cơ thể mất nhiều giờ để đào thải hết caffeine ra khỏi cơ thể. Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương giúp tỉnh táo nên uống cà phê cuối giờ chiều có thể tác động đến sức khỏe theo nhiều cách.
Tăng cảm giác bồn chồn
Caffeine ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương do chất này tương tác với các thụ thể adenosine. Adenosine chịu trách nhiệm gửi tín hiệu từ não cho biết cơ thể mệt mỏi. Caffeine liên kết với các thụ thể adenosine, thay thế những chất này trong não, nhờ đó giảm cảm giác mệt mỏi. Tuy nhiên, điều này chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, sau khi hết tác dụng, người uống sẽ cảm thấy bồn chồn. Cảm giác bồn chồn, lo lắng hoặc tim đập nhanh cũng có thể là dấu hiệu tiêu thụ quá nhiều caffeine.
Phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể
Thói quen uống cà phê buổi chiều kéo dài có thể dẫn đến mất ngủ và rối loạn giấc ngủ nhiều hơn. Nó cũng làm thay đổi chu kỳ ngủ – thức tự nhiên của cơ thể. Ngủ không đủ giấc trong thời gian dài có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, trầm cảm và các vấn đề về tim cao hơn. Theo Viện Y học Giấc ngủ Mỹ, dù caffeine phát huy tác dụng trong 30-60 phút sau uống nhưng chất kích thích này cần tới 5 giờ để đào thải một nửa khỏi cơ thể.
Lượng caffeine còn lại tồn tại trong cơ thể lâu hơn và có khả năng làm gián đoạn giấc ngủ. Tùy thuộc vào cách cơ thể chuyển hóa, caffeine có thể mất tới 10 giờ để loại bỏ hoàn toàn. Để an toàn, bạn nên uống tối thiểu 10 giờ trước khi ngủ. Ví dụ bạn đi ngủ lúc 23h thì nên dùng đồ uống này trước 13h.
Tiểu đêm nhiều hơn
Caffeine có tác dụng lợi tiểu nhẹ, tăng nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này cũng xảy ra vào ban đêm khi uống một cốc cà phê vào buổi chiều. Đi vệ sinh nhiều làm gián đoạn giấc ngủ đêm, giảm hiệu suất tinh thần trong ngày hôm sau.
Đổ nhiều mồ hôi đêm
Đổ mồ hôi ban đêm thường do lo lắng hoặc các loại thuốc khác nhau nhưng cũng liên quan đến tiêu thụ nhiều caffeine vào giữa ngày. Tình trạng này nghiêm trọng hơn ở người đang mãn kinh do caffeine có thể làm tăng các triệu chứng đổ mồ hôi đêm. Người thường xuyên gặp tình trạng này nên đi khám để tìm nguyên nhân.
Đói vào đêm khuya và ăn quá nhiều
Caffeine có tác dụng ức chế sự thèm ăn, nhất là khi tiêu thụ từ 30 phút đến 4 giờ trước bữa ăn. Do đó, nhâm nhi một cốc cà phê buổi chiều có thể khiến bạn không cảm thấy đói vào bữa tối, giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Song, bạn có thể đói vào đêm khuya và ăn nhiều hơn bình thường.
Để giảm những tác động trên, người uống có thể hạn chế lượng tiêu thụ cà phê. Một cốc thông thường chứa khoảng 95 mg caffeine. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo người lớn không uống quá 5 cốc cà phê, tức khoảng 400 mg caffeine mỗi ngày để tránh tác dụng phụ.
Độ nhạy cảm và sự trao đổi chất của caffeine có thể khác nhau tùy theo từng người. Nếu uống hai cốc vào đầu ngày vẫn khiến bạn mệt mỏi vào buổi tối thì cần giảm liều lượng. Nếu cần tăng năng lượng vào buổi chiều, thay vì uống cà phê, hãy đổi sang trà thảo dược như hoa cúc, bạc hà. Đứng dậy, vươn vai, giãn cơ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm uể oải. Ăn đủ protein và carbohydrate giàu chất xơ trong ngày để no lâu và ổn định lượng đường trong máu.